Ghi nhận công lao Nguyễn_Văn_Siêu

Nói về Nguyễn Văn Siêu, sử nhà NguyễnĐại Nam chính biên liệt truyện có đoạn viết:

Nguyễn Văn Siêu ở Hàn Các đã lâu, nên cáo văn điển sách của triều đình phần nhiều (do) ông soạn thảo cả, về thế văn học (của ông) được vua biết đến. Đương thời đều tôn trọng ông. Tới tuổi già rút lui, (ông) thích bảo ban kẻ hậu học, mà giảng sách biện biệt ngay thẳng chỗ giống chỗ khác lấy nghĩa lý làm chủ...[9]

Về sự nghiệp văn chương, đương thời ông và Cao Bá Quát được coi là hai danh sĩ tiêu biểu lúc bấy giờ (Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán). Ngoài các tác phẩm nghiên cứu nghiêm túc, có nhiều phát hiện đáng quý, Nguyễn Văn Siêu còn là một người có tài thơ. Thơ ông đáng chú ý nhất là mảng phản ánh đời sống nghèo đói, cực khổ, loạn lạc của nhân dân thời ấy (như bài: "Tự Bắc Ninh phó Hải Dương vịnh hoài"; "Nhân tự Bắc Ninh lai, ngôn Bắc Ninh sự, cảm tác"); và lòng tự hào của nhà thơ về đất nước, về nhân dân, về dân tộc (như bài "Chương Dương độ"). Bên cạnh đó, ông cũng làm nhiều bài thơ miêu tả cảnh thiên nhiên tình tứ, nhất là cảnh Hà Nội; và làm nhiều bài thơ để trao đổi, gửi tặng cho bạn bè, trong đó có Cao Bá Quát...[10]

Tóm lại, Nguyễn Văn Siêu là một trí thức trong sạch, đạo đức cao đẹp, học thức uyên bác, một nhà giáo gương mẫu, một nhà nghiên cứu nghiêm túc, một nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, đáng trọng. Ông xứng đáng có một chỗ đứng nhất định trong nền văn học và văn hóa Việt Nam thế kỷ 19 [5].

Ghi nhận công lao, tên Nguyễn Văn Siêu đã được dùng để đặt tên cho đường phố và trường học ở nhiều nơi trong nước Việt Nam.